Thiên đường ẩm thực xứ Huế
Để có được những nét văn hóa ẩm thực độc đáo không thể thiếu yếu tố của tự nhiên. Thừa Thiên Huế là một vùng đất đủ loại địa hình, vùng núi thì có Trường Sơn, Bạch Mã – Hải Vân là nơi giao thoa của biển, núi, đầm… Đây được xem như là một trong những nơi có nhiều nguồn thực phẩm rất độc đáo, vùng biển thì có Phú Vang, Phú Lộc, vùng đồng bằng thì có thành phố Huế, Phong Điền, Quảng Điền. Với các loại địa hình như vậy tạo nên cho Huế cả động thực vật đều rất phong phú. Đặc biệt ở Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, An Cư thuộc vào loại lớn nhất khu vực và thế giới, ở đây tập trung nhiều loại thủy hải sản, cá quý hiếm và chất dinh dưỡng cao.
Huế còn có các dòng sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bồ nơi mang phù sa bồi đắp và nguồn nước tưới tiêu ruộng đồng… Cùng với đó là chất đất ở Huế đã tạo ra nhiều loại quả đặc sản như thanh trà Nguyệt Biều, nhãn lồng, cam Phú Lộc, Nam Đông, chè Tuần, chè Truồi… Bên cạnh đó khí hậu ở Thừa Thiên Huế cũng rất đặc biệt vì là nơi chuyển tiếp của hai vùng khí hậu Bắc Nam.
Nếu như thiên nhiên tạo nên những điểm nhấn trong văn hóa ẩm thực Huế để thể hiện sự khác biệt với các vùng miền khác thì lịch sử cũng đã làm nên sự đặc biệt của ẩm thực xứ “Thần Kinh” này.
Ngoài Hà Nội, chúng ta có thể khẳng định ngay rằng ít có vùng đất nào mà được các vị vua, chúa chọn làm là kinh đô, thủ phủ trải qua nhiều thời kỳ như ở Huế.
Ẩm thực Huế chú trọng áp dụng thuật phong thủy, ngũ hành…(Mùa nào ăn món ấy, lúc đau ốm tùy theo bệnh sẽ có thực đơn riêng). Nghệ thuật thưởng thức ẩm thực cũng rất được coi trọng và áp dụng triệt để kích thích ngũ giác quan. Món ăn Huế đậm đà, độc đáo và rất khác so với các vùng miền trong nước và cũng khác với các dòng thực phẩm ẩm thực trên thế giới. Đó là bởi nghệ thuật và bí quyết sử dụng vài ba chục loại gia vị và nước chấm rất đa dạng, phần lớn chế biến với nguyên liệu và thực phẩm tươi (không sử dụng gia vị, nước chấm cấp đông và rất hạn chế dùng sản phẩm, thực phẩm lạnh). Ẩm thực Huế thuận theo thiên nhiên, không phá vỡ môi trường. Ít dùng dầu mỡ.
Ẩm thực xứ Huế đã được lưu giữ trong các dòng họ, danh gia vọng tộc ở Huế hay đó chính là những hậu bối của người xưa kia đã từng phục vụ trong hoàng cung triều Nguyễn. Những ứng xử văn hóa mẫu mực vẫn được tiếp nối, trong đó cách ứng xử với ẩm thực của xứ Huế đã trở thành một nét văn hóa rất đặc biệt.
Văn hóa ẩm thực Huế là sự kết tinh của trời đất ban tặng cùng với những dấu ấn đậm nét của lịch sử đã làm cho một phong cách ẩm thực chỉ Huế không lẫn vào đâu được. Ẩm thực Huế có thể tạm chia ra thành ẩm thực dân gian và ẩm thực cung đình.
Ẩm thực dân gian
Tùy vào điều kiện gia đình mà các món ăn ở Huế hiện diện trên bàn ăn nhưng điểm chung đó chính là các mùi vị của các loại mắm, ruốc, gia vị tỏi ớt luôn được để bên ăn kèm theo các món ăn. Nói về các loại ăn kèm thì có lẽ ở Huế trong các bữa ăn nước chấm đã thể hiện sự cầu kì của nó. Nếu rau khoai, rau muống thì chấm với nước mắm ruốc, thịt vịt thì chấm nước mắm gừng…
Ngoài ra các loại nước chấm ở Huế còn kể đến như nước lèo, nước mắm ngọt, nước mắm mặn (phần lớn người Huế nấu món ăn đều có nêm gia vị bằng nước mắm).. Nhưng ở Huế đúng người ta nấu nước mắm với các thành phần để tạo nên một loại nước chấm rất đặc sắc. Đặc biệt cách bày biện món ăn ở Huế rất cầu kỳ, điều này cũng ảnh hưởng từ ẩm thực cung đình vừa ngon miệng vừa ưa nhìn. Bởi thế mà ẩm thực Huế: “Với mỗi người Huế, ẩm thực thật sự là một thú vui tao nhã, là một nghệ thuật và hơn thế nữa”.
Đến Huế du khách thường hay nói đi ăn bánh Huế, khách nước ngoài thì lơ lớ chữ Huế nghe rất đáng yêu khi nói về Huế’s cakes. Bèo, nậm, lọc, ram ít… .hình như với tất cả các phụ nữ Huế các món bánh này ai cũng biết và đều có thể làm được. Và rất lạ là nó sẽ mang hương vị của chính người làm nên nó. Từ màu sắc cho đến chất ở trong từng chiếc bánh và đặc biệt loại “nước mắm” chấm cũng sẽ mang cái “hồn” riêng của họ. Chỉ vậy thôi là chúng ta không thể mường tượng được hết sự đa dạng của ẩm thực dân gian trên đất cố đô.
Ẩm thực cung đình
Ngoài ra mỗi ngày 3 lần, Nội trù tức nhà bếp trong cung vua còn phải cung tiến ngọc thực cho vua dùng mỗi ngày 3 lần: điểm tâm 12 món lúc 6 giờ sáng, ăn trưa 50 món mặn, 16 món ăn ngọt lúc 11 giờ, ăn chiều 50 món mặn 16 món ngọt lúc 5 giờ chiều”.
Nếp sống nho nhã giàu sang, quyền quý của tầng lớp quý tộc của triều đại nhà Nguyễn đã để lại cho Huế những giá trị vật chất và tinh thần vô giá. Một trong những kho tàng quý báu ấy là hàng nghìn món ăn với đầy đủ các yếu tố khoa học, dinh dưỡng, ngũ hành được chế biến từ nguyên nhiên thực phẩm được nuôi trồng không những tại địa phương mà còn từ nhiều vùng miền trong cả nước.
Những món ẩm thực cung đình mà đến nay vẫn còn hiện diện và được truyền tụng. Như Minh Mạng thang chẳng hạn. Đây là một thứ rượu được kết hợp bởi các loại thuốc do các ngự y nghiên cứu bào chế chỉ để phục vụ cho nhu cầu của vua, nó đã được thêu dệt lên những giai thoại quanh loại rượu này: “Theo truyền tụng thì rượu Minh Mạng Thang bổ dưỡng đã giúp cho vua Minh Mạng có đến 142 người con. “Nhất dạ, lục giao sinh tứ tử” “Một đêm ân ái sinh được bốn người con”.
Với ẩm thực cung đình Huế, bên cạnh công phu trong việc chọn nguyên liệu và cách nấu, bày trí thì cách thưởng thức các món ăn cũng rất nho nhã, thanh tao: vừa ăn vừa nghe nhã nhạc cung đình Huế. Đây là một cách để tăng thêm xúc giác và có thể là kích thích thính giác cũng được đặt vào từng món ăn. Việc thưởng thức món ăn tưởng chừng như đơn giản nhưng nó đã nâng lên thành “một nghệ thuật” mà các vua quan, Hoàng thân khi xưa đã sử dụng.
Huế có thể được xem là “Kinh đô Ẩm thực” hay không phụ thuộc vào con người Huế. Chữ “con người” ở đây tôi muốn tượng trưng cho tất cả ở xứ “Thần kinh” này. Thế nhưng, ngay giờ đây cho dù cụm từ hoa mỹ đó có đươc ban tặng và vinh danh hay chưa thì du lịch Huế vẫn mãi là nơi mà các bạn, những du khách tìm đến vùng đất “âm trầm, sâu lắng lạ” này tha hồ được trải nghiệm với vô vàn điều thú vị.
Hoàng Transit tổng hợp