091 688 2306

037 670 6789

039 242 6789

GPKD vận tải DL: Số 278, sở GTVT TT Huế cấp

GP liên vận Quốc tế: Số 110/2019, Bộ GTVT cấp

Search

Điện Hòn Chén – Di tích gắn với nhiều giai thoại bậc nhất xứ Huế

1.Vị trí điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén nằm trên núi Ngọc Trản, thuộc làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, điện Hòn Chén không chỉ là di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng, một điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút đông đảo du khách thập phương, nhất là dịp lễ hội vào tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.

2.Kiến trúc điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc khác nhau, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương. Kiến trúc hiện tại của Điện Hòn Chén cho thấy đây là một quần thể kiến trúc gắn với quang cảnh tự nhiên một cách khá hoàn mỹ.

Mặt bằng của toàn bộ cụm di tích này không lớn lắm. Trong đó, kiến trúc chính là Minh Kính Đài tọa lạc ở giữa, phía bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh, phía bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, am Ngoại Cảnh, động thờ ông Hổ. Sát mép bờ sông là am Thủy Phủ. Ngoài ra, trong khuôn viên điện Hòn Chén còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác đó đây.

Minh Kính Đài chính là nơi tổ chức tế lễ ở điện Hòn Chén. Ngày xưa, triều đình quy định mỗi năm tổ chức lễ hai lần vào thượng tuần tháng 3 và tháng 7 Âm lịch, các quan chức được cử về làm chủ tế.

Minh Kính Đài được chia làm 3 cung, theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Đệ nhất cung (còn gọi là Thượng cung), nơi thờ Nữ thần Thiên Y A Na, Thánh mẫu Vân Hương (Liễu Hạnh Công Chúa), vua Đồng Khánh và một số vị thần khác. Đệ nhị cung thờ là nơi thờ hàng chục tượng của các vị thần thánh khác nhau, cũng là nơi bày biện các đồ thờ cúng để rước sắc trong những dịp lễ lớn. Đệ tam cung thiết hương án, hai bên đặt trống, chuông, là nơi cử hành lễ và là địa điểm khách thập phương dâng hương cúng bái.

Về nghệ thuật trang trí, Minh Kính Đài có nét trang trí chủ đạo là những hình ảnh con phụng xuất phát từ việc nơi đây xưa kia chủ yếu thờ nữ thần. Trên các nóc nhà, hình phụng được sử dụng nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo, khiến du khách có cảm tưởng những con chim phụng như từ núi rừng về đây tụ hội, mang đến những điềm lành cho mảnh đất thiêng liêng này. Cách trang hoàng ở Điện Hòn Chén làm cho không gian thờ tự và thế giới tâm linh trở nên gần gũi hơn với con người. Đây cũng là một trong những nơi có nghệ thuật trang trí mỹ thuật đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19.

3.Sự tích điện Hòn Chén

Ðiện Hòn Chén là ngôi đền ngày xưa người Chăm thờ phụng nữ thần PoNagar (Nữ thần Mẹ xứ sở). Truyền thuyết kể rằng, bà là người có công tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Có lẽ vị Nữ thần của người Chăm xét trên bình diện tâm linh có nhiều nét tương đồng với các Nữ thần của người Việt nên về sau, người Việt tiếp nhận và thờ bà dưới danh xưng Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

Ngoài ra, tại điện Hòn Chén, người ta còn thờ Liễu Hạnh Công Chúa, tức là Vân Hương Thánh Mẫu, thờ Phật, thờ Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác thuộc vào hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên (trong đó có vua Ðồng Khánh cũng là một trong những đồ đệ ấy). Như vậy, xét về mặt tín ngưỡng thì điện Hòn Chén có bối cục thờ không theo nguyên tắc, mà phối thờ nhiều tín ngưỡng khác nhau.

4.Điện thờ có nhiều giai thoại nhất

Trong quần thể di tích cố đô Huế, điện Hòn Chén có lẽ gắn với nhiều giai thoại nhất. Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa kia có tên gọi là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”. Vì vua Minh Mạng trong một lần đến đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng Hương, vua tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên có con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên, ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Tuy vậy, trong các văn bằng sắc phong chính thức của các vị vua Nguyễn, thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên gọi chính thức là “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản). Đến thời vua Đồng Khánh (1886-1888), ngôi điện mới được đổi tên là Điện Huệ Nam (ý là mang lại ân huệ cho vua nước Nam) và cũng gắn với nhiều giai thoại khác nữa.

5.Lễ hội Điện Hòn Chén

Lễ Điện Hòn Chén còn được gọi là lễ Vía Mẹ, mang ý nghĩa là đạo hiếu đối với mẹ hiền, người đã cho ta sự sống được tổ chức với những nghi lễ trang nghiêm. Vào tháng 3 và tháng 7 hàng năm, không khí tại Điện Hòn Chén Huế tưng bừng náo nhiệt với lễ hội Điện Hòn Chén. Một khúc sông trở nên lộng lẫy cờ hoa, hương án đủ sắc màu. Hàng ngàn người dân từ sáng sớm đã di chuyển trên hàng trăm chiếc thuyền rồng để có mặt tại bến thuyền Tòa Khâm (sông Hương) tham gia lễ hội.

Lễ hội mang tính nhân văn sâu sắc, đề cao giá trị truyền thống tốt đẹp mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy. Nhưng do đặc thù mang đậm tín ngưỡng tâm linh thần bí nên vô tình, nhân gian địa phương đã phủ lên lễ hội một màu sắc mê tín hoang đường.

Có lẽ không sai khi cho rằng, điện Hòn Chén linh thiêng có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Huế. Và đây cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian, giữa tâm linh và mê tín dị đoan, giữa lễ hội và đồng bóng.

Thuê xe Kha Trần hy vọng rằng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp du khách hiểu hơn về Điện Hòn Chén – địa điểm du lịch Huế nổi tiếng, cũng như hiểu hơn về lịch sử, văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Kha Trần

useradmin    user 1130 lượt xem

Đăng lúc 24/04/2018