091 688 2306

037 670 6789

039 242 6789

GPKD vận tải DL: Số 278, sở GTVT TT Huế cấp

GP liên vận Quốc tế: Số 110/2019, Bộ GTVT cấp

Search

“À ơi à ơi !
Chứ cầu Trường Tiền sáu vài mười hai ơ nhịp
Thương nhau rồi xin kịp về mau”

(Trích: Ai ra xứ Huế – Duy Khánh)

ca dao về cầu Tràng Tiền

Có rất nhiều bài ca dao về cầu Tràng Tiền hay

Mỗi khi nhắc đến Huế, chắc hẳn rằng điều đầu tiên mà ta nhớ đến chính là Cầu Trường Tiền. Hơn 100 năm qua, cây cầu này đã trải mình với biết bao nhiêu thăng trầm cùng con người xứ Huế nơi đây, để rồi đi vào lòng người, thành thơ, thành nhạc, thành họa. Cầu Trường Tiền được xem như là biểu tượng của vùng đất cố đô vậy.

Cầu Trường Tiền – Chứng nhân lịch sử

Trải qua bao nhiêu thăng trầm cùng với vùng đất miền Trung ruột thịt, Cầu Trường Tiền sống cùng người dân xứ Huế qua những ngày bình yên cũng như những ngày chiến tranh đạn lạc. Dù qua nhiều lần hư hỏng nặng, sửa chữa, trùng tu, song đến nay cây cầu vẫn giữ nguyên được lối kiến trúc cơ bản ban đầu.

Cầu Trường Tiền

Cầu Trường Tiền – Chứng nhân lịch sử

Tiền thân của cây cầu Trường Tiền hiện nay bắt nguồn từ cây cầu Mây được làm từ song mây bó chặt lại và nối liền với nhau từ thời vua Lê Thánh Tôn, còn có tên gọi là cầu Mống. Đây được coi là cây cầu đầu tiên bắt qua sông Hương.

Cây cầu Trường Tiền bằng sắt hiện nay được thiết kế và hoàn thành vào năm 1899 dưới đời vua Thành Thái do hãng Eiffel thiết kế và khởi công xây dựng, và tên cầu được đặt ra đầu tiên mang tên vị vua này – cầu Thành Thái.

Ứng với mỗi biến cố lịch sử, cầu Trường Tiền lại thay một tên mới. Bước sang trang sử mới, lịch sử đã qua với cây cầu đầy dấu tích đau thương ở lại, chỉ có cây cầu mới đầy sức sống lại bước sang trang tiếp theo. Năm 1907, vua Thành Thái bị thực dân Pháp bắt đi đày, chính quyền thực dân đã cho đổi tên cây cầu thành cầu Clémenceau, theo tên của một vị thủ tướng Pháp thời Thế chiến thứ nhất.

Vẻ đẹp của cầu Trường Tiền

Vẻ đẹp của cầu Trường Tiền mộng mơ trên dòng sông Hương êm đềm

Cuộc đại trùng tu cây cầu diễn ra vào năm 1937 dưới thời vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Cây cầu được mở rộng hành lang cho người đi bộ, xây dựng các bao lơn (ban công) để dừng chân, ngắm cảnh ngay trên cầu. Cuộc trùng tu lớn xong vẫn giữ nét đặc trưng vành lược ban đầu và không thay đổi tên gọi.

Gắn với 2 mốc thời gian lịch sử của đất nước Việt Nam, năm 1945, cầu được đổi tên thành cầu Nguyễn Hoàng. Sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, cây cầu mới được đổi tên thành cầu Tràng Tiền. Đến năm 2004, cây cầu này được đổi tên thành cầu Trường Tiền và được giữ nguyên cho đến ngày hôm nay.

cầu Trường Tiền Huế

Hình ảnh xích lô chở khách trên cầu Trường Tiền Huế

Với những nhịp cầu cong cong mềm mại in bóng dòng Hương suốt hơn 100 năm qua, cây cầu này đã chứng kiến biết bao lần chuyển mình của lịch sử dân tộc, hứng chịu biết bao nhiêu đau thương. Nhưng hiện tại, cây cầu vẫn hiên ngang sừng sững vắt mình qua sông Hương, đắm mình trong những ngày êm đềm xứ Huế, làm chứng nhân lịch sử ngàn năm, là biểu tượng muôn đời cho xứ kinh kỳ.

Cầu Trường Tiền – Nguồn cảm hứng thi ca nhạc họa

Đặc trưng của chiếc cầu mang phong cách tây phương với 6 nhịp dầm thép hình vành lược (hình bán nguyệt), về cơ bản, hình dáng này được giữ nguyên cho tới ngày nay. Tức cảnh lại sinh tình, cầu Trường Tiền vắt mình duyên dáng qua dòng Hương trong xanh làm say lòng ngay cả những tâm hồn khô khan nhất. Kể đến thơ, ca, nhạc, họa với nguồn cảm hứng từ cầu Trường Tiền thì khó lòng nhớ hết, nhưng đến cả những lãng khách cũng bùi ngùi đặt bút trước tuyệt tác xứ kinh kỳ:

CẦU TRÀNG TIỀN

Cong vành võng nguyệt chiếc cầu ngang
Rạng rỡ cành xuân dải sắc vàng
Mấy nhịp người qua đầy nỗi thở
Tình duyên kẻ đợi thắm niềm chan
Mơ về thuở nọ lòng như ngỡ
Mộng tưởng ngày xưa cõi thấy ngàng
Sĩ tử hồn ngơ vào ý dệt
Thi hào thả bút vẽ từng trang…

27.08.2015
(ST: Bichyen Nguyen)

Cầu Trường Tiền về đêm

Cầu Trường Tiền về đêm

Nếu như cầu Trường Tiền ban ngày lung linh bởi ánh nắng hắt lên từ sông Hương, thì ban đêm, Cầu Trường Tiền như một dải cầu vồng 7 sắc bởi ánh đèn lung linh, rạng rỡ từ hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại. Mỗi lúc đêm về là lúc cây cầu trở nên thật sự nhộn nhịp nhưng cũng không kém phần sâu lắng vốn như nét đặc trưng của xứ Huế. Từng dòng người ngược xuôi tấp nập, những cặp đôi, những vị khách ngoại quốc và cả những du khách trong nước một lần đến Huế không chỉ muốn ngắm nhìn cây cầu từ xa, mà cũng muốn một lần đặt chân lên thân cầu để đắm mình vào không khí trong lành của dòng Hương yên ả, nhẹ nhàng; ngắm nhìn những chiếc thuyền Rồng thảnh thơi trôi cùng tiếng Ca Huế vang vọng trên sông.

Hò lơ ơ hớ lơ hò
Trường Tiền anh có nghe hò sông Hương
Điệu hò đậm nét tím thương
Huế mơ Huế mộng Huế thương hỡi người!

(ST: Trường Tiền – Lãng Du Khách)

Ngày nay, khi phố phường đã bắt nhịp với sự phát triển, hiện đại hóa từng ngày, giữa lòng thành phố ấy vẫn êm đềm dòng Hương chảy, vẫn hiên ngang cây cầu Trường Tiền ấy vắt qua sông. Cảnh ấy, lại làm say lòng du khách đó đây, cả trong quá khứ, bây giờ, và tương lai kia cũng vậy. Tôi tin thế!

userthanhhong    user 4207 lượt xem

Đăng lúc 04/10/2018