091 688 2306

037 670 6789

039 242 6789

GPKD vận tải DL: Số 278, sở GTVT TT Huế cấp

GP liên vận Quốc tế: Số 110/2019, Bộ GTVT cấp

Search

Bên cạnh lăng Minh Mạng với nét đẹp cổ xưa truyền thống, đậm đà màu sắc Nho giáo, lăng Tự Đức đắm say lòng người bởi cảnh sắc sơn thủy hữu tình thì lăng Khải Định luôn có sức thu hút khách thập phương khi du lịch Huế với những công trình được thiết kế vô cùng công phu, lộng lẫy, mang những màu sắc kết hợp tinh xảo giữa hai nền kiến trúc, văn hoá Đông – Tây kim cổ.

Lăng Khải Định (hay còn gọi là Ứng Lăng) là nơi yên nghỉ của vua Khải Định (1885 – 1925) vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Lăng tọa lạc ở trên triền núi Châu Chữ, phía Tây Nam của Kinh Thành Huế, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách Tp. Huế 10km.

Lăng Khải Định ra đời trong sự giao thoa văn hóa Đông – Tây, tính văn hóa truyền thống bị phai mờ nhưng đã cũng mở ra một cái nhìn mới, một lối kiến trúc mới, phản ánh rõ tính cách xa hoa của vị vua lúc sinh thời.

Bước lên ngai vàng ở tuổi 31, vua Khải Định say sưa với công việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm,… như Điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Hiển Nhơn (cửa phía Đông Hoàng Thành), cửa Chương Đức (cổng phía Tây Hoàng Thành). Trong số các công trình đó, việc xây dựng Ứng Lăng, nơi yên nghỉ sau này của vua được đầu tư đặc biệt công phu.

Để xây dựng lăng cho mình, vua Khải Định đã tham khảo rất nhiều tấu trình của các thầy địa lí dâng lên và cuối cùng, vua đã chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là núi Châu Ê) làm vị trí tọa lạc cho nơi an nghỉ của mình sau này. Địa thế của lăng Khải Định được tính toán rất kỹ lưỡng, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ. Ứng Lăng lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm nơi “Tiền án”, có khe suối Châu Ê chảy từ bên trái qua làm “Thủy tụ”, núi Chóp Vung ở bên tả và núi Kim Sơn ở bên hữu làm Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ (tức là rồng, cọp chầu Ứng Lăng). Nhà vua đã cho đổi tên núi Châu Chữ thành núi Ứng Sơn và đặt tên lăng là Ứng Lăng.

So với lăng tẩm của các vị vua tiền nhiệm trong hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn thì lăng Khải Định là công trình có diện tích nhỏ nhất. Ứng Lăng chỉ có diện tích khoảng 0,5265 ha với chiều dài 117m và chiều rộng 45m. Tuy vậy, Ứng Lăng lại là công trình được đầu tư xây dựng kì công nhất, kinh phí xây dựng nhiều nhất, thời gian xây dựng lâu nhất và lăng hiện đại nhất trong hệ thống lăng tẩm ở Huế.

Lăng chính thức được khởi công xây dựng năm 1920 và mãi đến năm 1931 (tức 11 năm sau) mới được hoàn tất.

Kiến trúc độc đáo của Lăng Khải Định

Lăng Khải Định được rất nhiều những nghệ nhân có tiếng nhất bấy giờ tham gia xây dựng. Nghệ nhân Phan Văn Tánh chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là, ông cũng chính là tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.

Để phục vụ cho công trình kiến trúc vĩ đại này, khối lượng lớn các vật liệu xây dựng lăng được nhập từ nước ngoài, khác hoàn toàn so với vật liệu truyền thống của dân tộc như gỗ, đá, vôi,… Điển hình như xi măng, sắt, thép, ngói nhập từ nước Pháp, các loại đồ sứ, thuỷ tinh trang trí bên trong lăng được mua từ Trung Quốc, Nhật Bản.

Để có kinh phí xây dựng một khu lăng hoành tráng như vậy, vua Khải Định cũng đã tăng thuế đến 30% trên khắp cả nước. Hành động này của vua đã bị lịch sử lên án một cách gay gắt, nhân dân oán trách, để lại một hình ảnh không tốt về một vị “Thiên tử” trong lòng người dân. Nhưng cũng chính sự tốn kém và công phu ấy đã tạo nên một kiệt tác kiến trúc tuyệt mĩ mà bất cứ ai khi đến thăm quan lăng Khải Định cũng không khỏi trầm trồ.

Lăng Khải Định là sự giao thoa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây, mang đến nhiều nét mới lạ, độc đáo. Lăng Khải Định nổi lên như một tòa lâu đài thời Trung Cổ ở Châu Âu với 127 bậc thang tiến vào Cung Thiên Định giữa rừng thông xanh mát.

Cung Thiên Định là kiến trúc chính chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật quan trọng nhất trong lăng. Toàn bộ nội thất bên trong cung điện đều được trang trí bằng những tấm phù điêu tuyệt đẹp được ghép một cách tỉ mỉ, tinh xảo bằng sành sứ và thuỷ tinh qua bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân hàng đầu thời bấy giờ. Chính vì vậy, lăng Khải Định trở thành một tuyệt tác nghệ thuật tạo hình sành sứ và thuỷ tinh đến mức đỉnh cao. Đến cả những chi tiết nhỏ trên từng cái cột, hàng rào cũng là những tạo hình nghệ thuật vô cùng tinh xảo, tỉ mỉ. Ngoài ra, nội thất công trình còn được trang trí bằng những vật dụng hiện đại mang đậm nét kiến trúc phương Tây lúc bấy giờ như: khay trà, vương miện, vợt tennis, đèn dầu,… Tất cả cùng hoà hợp tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh lộng lẫy và tráng lệ vô cùng.

Mộ vua Khải Định đặt ở chính giữa của Cung Thiên Định và cũng là gian phòng được trang trí đẹp nhất lăng. Bên trên phần mộ là tượng vua Khải Định ngồi trên ngai vàng làm bằng đồng mạ vàng được đúc tại Pháp năm 1922. Bên dưới ngai vàng là bậc Tam Tài: thiên – địa – nhân.

Dưới tượng vua là nơi đặt thi hài của vua Khải Định, được đào sâu dưới lòng đất 9m. Dưới trần là Bửu Tán được đúc bằng bê tông tặng gần một tấn nhưng lại mang nét thanh thoát, uốn lượn dưới bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân Việt.
Bên dưới tượng vua là nơi đặt thi hài của nhà vua, được đào sâu đúng 9m. Phía sau phần mộ của vua là tác phẩm “Thái dương hạ san”, là vầng mặt trời đang lặn tượng trưng cho cái chết của nhà vua.

Cùng với các di tích nổi tiếng khác trong quần thể di tích Cố đô Huế, lăng Khải Định cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới “Tinh xảo Khải Định”. Mặc dù là công trình từng bị lịch sử lên án, người dân thời bấy giờ rất oán trách nhưng không thể phủ nhận rằng, Lăng Khải Định đích thực là một tuyệt tác kiến trúc lăng tẩm độc đáo “có một không hai” mà chắc chắn bạn không thể bỏ lỡ khi du lịch cố đô Huế.

Thuê xe Kha Trần

useradmin    user 2324 lượt xem

Đăng lúc 15/05/2018